Cấu thành tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
Mục lục
- 1. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là gì?
- 2. Các yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính?
- 3. Hình phạt áp dụng đối với tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là gì?
• Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là hành vi của con người coi thường quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính, không tuân thủ theo những quy tắc đó nên đã dẫn đến hậu quả chết người. Những vi phạm quy tắc nghề nghiệp của người phạm tội là những vi phạm thuộc phạm vi một ngành, một nghề do Nhà nước quy định có tính chất nghiệp vụ để đảm bảo an toàn cho mọi người.
• Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính là trường hợp làm chết người do không thực hiện đúng những quy tắc xã hội do Luật hành chính quy định. Những quy tắc này có thể do các cơ quan hành chính nhà nước Sở Trung ương quy định như: Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, nhưng cũng có thể do các cơ quan hành chính ở địa phương hoặc một đơn vị sản xuất quy định.
• Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể như sau:
"Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."
Các yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính?
• Khách thể của tội phạm:
Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là hành vi của người coi thường quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính, không tuân thủ theo những quy tắc đó, thực hiện một cách cẩu thả hoặc tin tưởng là hậu quả không xảy ra nhưng thực tế đã dẫn đến hậu quả chết người.
Tội phạm xâm phạm quyền sống của con người, đồng thời xâm phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính đã ban hành.
• Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện việc vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính:
– Quy tắc nghề nghiệp là những vi phạm quy tắc thuộc phạm vi một ngành, một nghề, một lĩnh vực do Nhà nước, Bộ, ngành quy định, như quy tắc điều trị trong các bệnh viện, quy tắc khai thác gỗ trong rừng, quy tắc an toàn khi mắc điện,…
– Quy tắc hành chính do pháp luật hành chính quy định hoặc do các cơ quan hành chính (như Thủ tướng Chính phủ, các bộ, các ngành, nhưng cũng có thể do các cơ quan hành chính ở địa phương) ban hành hoặc do đơn vị sản xuất quy định, ví dụ: đánh mìn khai thác đá trái với quy định của Bộ Xây dựng làm chết người qua đường, v.v..
Cần phân biệt hành vi khách quan của tội vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định tại Điều 129 BLHS với hành vi hành vi khách quan của tội vi phạm quy định nghề nghiệp hoặc quy định hành chính được quy định ở các điều luật cụ thể khác. Hành vi khách quan của tội phạm được quy định tại Điều 129 BLHS là hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính chung (không được quy định ở các điều luật riêng biệt khác). Hành vi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng người khác do vi phạm một quy định nghề nghiệp hoặc quy định hành chính cụ thể mà điều luật quy định riêng thì cấu thành các tội phạm tương ứng khác. Ví dụ: hành vi phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn chết người cấu thành Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 BLHS.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm, cần xác định rõ quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính cụ thể (trong văn bản nào) đã bị vi phạm. Giữa hậu quả chết người và hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính phải có mối quan hệ nhân quả. Nếu không có mối quan hệ nhân quả thì không phạm tội hoặc phạm tội khác.
Hậu quả của tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính phạm là gây hậu quả chết người. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm hậu quả chết người xảy ra.
• Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
• Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý (vô ý do cẩu thả hoặc vô ý do quá tự tin).
Hình phạt áp dụng đối với tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
– Khung 1. Quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05.
– Khung 2. Quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.