Luật Thiên Ưng

Không giao con sau khi ly hôn có bị khởi tố hình sự?

Quyền nuôi con sau khi ly hôn

Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định việc trong nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Quy định trên cũng chỉ rõ sau khi ly hôn thì vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Trong trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con có mong muốn được ở với cha hoặc mẹ.
Trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để nuôi con thì con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.

Trường hợp không giao con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn

Trong trường hợp đã có Quyết định của Tòa án về việc giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ nhưng người cha không chấp hành thì phải xử lý như thế nào?
Đối với trường hợp này đầu tiên cần gửi đơn yêu cầu thi hành án tới cơ quan thi hành án dân sự. Căn cứ tại Điều 7 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định quyền yêu cầu thi hành án như sau:

“Điều 7. Quyền yêu cầu thi hành án
Người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.”

Nếu người cha vẫn không chịu thực hiện theo Quyết định Tòa án và yêu cầu của cơ quan thi hành án thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Không chấp hành án” căn cứ tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
“Điều 380. Tội không chấp hành án
1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Một trường hợp cụ thể đã xảy ra và được TAND thành phố Bắc Ninh tuyên 06 tháng tù treo với bị cáo K, 43 tuổi về tội “Không chấp hành án”, theo khoản 1, Điều 380 Bộ luật hình sự (Mức phạt này thấp hơn khung truy tố do hành vi của anh K được Tòa cho rằng "ít nghiêm trọng") 

Theo https://vnexpress.net/bi-phat-6-thang-tu-treo-vi-khong-giao-con-cho-vo-cu-sau-ly-hon-4623517.html?gidzl=wXyv6TZM7WNk0JqOrS0U0kyEEnh2nXu0y0bl6C2KImhxNMyIcyTEMgzRPHMQn4KC-WXdGM83-H8hsDOP0m

Có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con?

Căn cứ tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ thì Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con:
“Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.”

Trong trường hợp cha hoặc mẹ có yêu cầu về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì phải có căn cứ chứng minh cho việc thay đổi này. Đồng thời phải xem xét đến các yêu tố khác như: nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên; điều kiện giáo dục, tài chính, thời gian, khu vực sống,…của cha hoặc mẹ; nếu cha hoặc mẹ không đủ điều kiện thì những người được ưu tiên trực tiếp nuôi con gồm những ai.

 

Bài viết liên quan

Top Luật sư theo yêu cầu