Luật Thiên Ưng

Quy định của pháp luật về thời hiệu và thời hạn

 

Phân biệt giữa thời hạn và thời hiệu

1.1. Khái niệm

- Thời hạn: Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác.

- Thời hiệu: Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

1.2. Đơn vị tính

- Thời hạn: Có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.

- Thời hiệu: Năm.

1.3. Phân loại

- Thời hạn: 

+ Thời hạn do luật định

+ Thời hạn thỏa thuận theo ý chí của các bên

+ Thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định khi xem xét, giải quyết các vụ việc cụ thể.

- Thời hiệu:

+ Thời hiệu hưởng quyền dân sự

+ Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự

+ Thời hiệu khởi kiện

+ Thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.

1.4. Thời điểm bắt đầu

- Thời hạn:  Thời hạn đã hết có thể gia hạn, kéo dài thời hạn.

- Thời hiệu: Không gia hạn.

1.5. Chủ thể áp dụng

- Thời hạn: 

+ Cơ quan nhà nước

+ Cá nhân, tổ chức

- Thời hiệu: Các cơ quan nhà nước, chủ yếu là Tòa án, Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát.

1.6. Trường hợp áp dụng

- Thời hạn: 

+ Trong giao dịch dân sự giữa cá nhân, tổ chức với nhau

+ Cơ quan nhà nước áp dụng để giải quyết vấn đề cụ thể (VD: Thời hạn tạm giam)

- Thời hiệu: Cơ quan nhà nước áp dụng để giải quyết các yêu cầu, tranh chấp theo luật định.

1.7. Hậu quả pháp lý

- Thời hạn: Chủ thể tham gia giao dịch dân sự đó phải gánh chịu hậu quả bất lợi nào đó.

- Thời hiệu: Không phải gánh chịu hậu quả pháp lý.

1.8. Căn cứ pháp lý

- Thời hạn: Điều 144 - 148 BLDS 2015

- Thời hiệu: Điều 149 - 157 BLDS 2015

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do BLHS quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ khoản 2 Điều 27 BLHS 2015 sửa đổi 2017 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

- 5 năm với tội phạm ít nghiêm trọng

- 10 năm với tội phạm nghiêm trọng

- 15 năm với tội phạm rất nghiêm trọng

- 20 năm với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

 Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ

Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ Điều 28 BLHS 2015 sửa đổi 2017 quy định về tội phạm không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự bao gồm:

- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này.

- Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này.

- Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.

Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi 2022 quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính như sau

a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:

Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;

b) Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau:

Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;

c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

d) Trong thời hạn được quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Căn cứ khoản 2 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi 2022 quy định về thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính được quy định như sau:

a) Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 90; 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 90; 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều 90; 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 90 của Luật này;

b) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 92; 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 92 của Luật này;

c) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật này;

d) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 của Luật này;

đ) Trong thời hạn được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính. 

 

Bài viết liên quan

Top Luật sư theo yêu cầu